Toán học Hàn Quốc: From Zero To Hero (từ số không tiến lên thành anh hùng)
(Nguyễn Tiến Dũng viết)
Trong thời gian tháng 3 – tháng 4 năm nay, tôi đã đến thăm và làm việc tại hai viện đại học của Hàn Quốc là KAIST (đến Viện nghiên cứu cao cấp Hàn Quốc (KIAS) nằm trong Viện đại học khoa học và công nghệ cao cấp Hàn Quốc (KAIST)) và Postech (đến trung tâm Center for Geometry and Physics (CGP), là trung tâm toán học thuộc Viện Khoa học Cơ bản của Hàn Quốc (IBS), và trung tâm này đặt tại Postech), và tôi đã có ấn tượn mạnh về sự sôi động trong hoạt động khoa học ở những nơi này.
Theo lời kể của ông bạn đồng nghiệp của tôi, GS Y-G Oh, giám đốc CGP-IBS, thì cho đến những năm 1980, nền nghiên cứu toán học của Hàn Quốc gần như là con số không. Hầu hết những ai muốn làm nghiên cứu sinh về toán đều phải ra nước ngoài. (Bản thân ông Oh cũng là một trường hợp như vậy, đã sang Mỹ và ở bên đó rất lâu trước khi quay về Hàn Quốc). Theo một giáo sư khác ở KIAS kể, khi nhà toán học Canada gốc Hàn nổi tiếng Rimhak Ree (1922-2005) về Hàn Quốc lần đầu tiên vào đầu những năm 1980 (trước đó ông bị chính quyền quân phiệt không cho nhập cảnh vì “tội” đi thăm quê cũ của ông ở Bắc Hàn), tất cả những người có dính líu đến toán học cao cấp ở Hàn Quốc đều biết đến tên ông và kéo đến nghe ông đọc bài giảng, và tổng cộng tất tần tật được năm mươi người. Tính ra thì nền toán học Hàn Quốc những năm 1980 thua xa so với nền toàn học Việt Nam cùng thời.
Hơn 30 năm sau, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Trong khi các trường đại học của Việt Nam vẫn “chưa thấy đâu” trên bản đồ thế giới, thì hai trường của Hàn Quốc đã lọt vào danh sáp “top 50” thế giới về toán học, theo bảng xếp hạng QS năm 2017 (xem: https://www.topuniversities.com/university-rankings/university-subject-rankings/2017/mathematics): Trường Seoul National University đứng thứ 42, và KAIST đứng thứ 47. Trường Postech là trường “sinh sau đẻ muộn”, mới được thành lập vào năm 1986, cũng đã đứng trong danh sách 101-150 trong bảng xếp hạng này, cùng với một trường khác của Hàn Quốc là Korea University.
Để so sánh và nhận thấy lên được Top 50, hay thậm chí Top 150 khó như thế nào: Những trường như Duke University (Mỹ), Humboldt University (Đức), KTH (Thuỵ Điển), Tokyo Institute of Technology (Nhật), Paris 11 (Pháp) cũng chỉ đứng ở thứ hạng 51-100 về toán học; toàn nước Pháp chỉ có một trường lọt Top 50 là Ecole Normale Supérieure de Paris; trong số những trường ở bậc xếp hạng 101-150 có Hebrew University Jerusalem, University of Geneva, Utrecht University, King’s College London; ngay City University of New York và Ecole Normale Supérieure de Lyon chỉ được ở hạng 151-200.
Có thể nói, chỉ trong vòng 30 năm, nền toán học Hàn Quốc đã đi lên “from zero to hero” (và trong các ngành khoa học công nghệ khác có lẽ cũng tương tự như vậy). Sinh viên Hàn Quốc ngày nay có thể học ngay tại Hàn Quốc chứ không cần ra nước ngoài vẫn có trình độ cạnh tranh quốc tế. Vào các viện như KIAS và CGP-IBS thì thấy người nước ngoài vô cùng nhiều (từ Âu, Mỹ, Úc, Á có cả), hoạt động khoa học hết sức sôi nổi. Bản thân viện CGP-IBS (nằm tại Postech nhưng quản lý độc lập với khoa toán của Postech) mới được thành lập từ 5 năm nay, có một nửa các thành viên dài hạn là gốc Âu-Mỹ, và có một mục đích rất rõ ràng là phải trở thành một trung tâm toán học của thế giới cạnh tranh với những trung tâm nổi tiếng và lâu đời như IAS, Max-Planck. Mới chỉ có 30 năm, Hàn Quốc đã làm được như vậy, thì không có cớ gì để không tin rằng 30 năm nữa người Hàn cũng sẽ có khả năng “vượt mặt” các “đế quốc già cỗi” như Anh, Pháp về toán học. Họ đã vượt mặt Pháp về công nghệ tin học rồi.
Vì sao Hàn Quốc làm được như vậy? Theo tôi, bí quyết rất đơn giản, chỉ cần làm đúng một số nguyên tắc sau là khoa học ắt phát triển:
- Đầu tư nhiều tiền của cho khoa học. Hàn Quốc là nước có tỷ lệ đầu tư vào khoa học công nghệ cao nhất thế giới, ngang bằng với Israel, ở mức trên 4% GDP, bỏ xa các nước khác. Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ đầu tư vào giáo dục thuộc loại cao nhất thế giới. (Trung Quốc cũng đang chạy đua với Hàn Quốc về những điểm này, rất mạnh tay đầu tư cho khoa học, và đạt kết quả rất tốt).
- Đối xử thực sự tử tế với các nhà khoa học và giáo dục: lương cao và điều kiện làm việc tốt. Một ví dụ để so sánh: lương post-doc ở CGP-IBS có thể đến 5 nghìn USD / tháng (hơn gấp đôi so với Pháp, và cạnh tranh với Mỹ), trong khi giá cả sinh hoạt khá rẻ (nhà cửa rẻ hơn nhiều so với Pháp – Mỹ).
- Sự nghiêm túc trong công việc: rất hiếm các hiện tượng đạo văn, tham nhũng trong khoa học và giáo dục. Một phần là do người Hàn có lòng tự trọng cao, có nền giáo dục đề cao sự trung thực, một phần là thể chế tốt dễ chống lại tham nhũng.
Trông người mà nghĩ đến ta: thể chế tồi tệ tạo điều kiện cho tham nhũng ở mọi cấp mọi nơi, từ các quan chức đến bao nhà khoa học nhắm mắt che tai với các hiện tượng khoa học giả & đạo văn rõ rành rành, chế độ “lương ít bổng nhiều” không khuyến khích người có tài có tâm, đầu tư vừa quá ít vừa không đến được đúng chỗ cần thiết. Với tất cả các lý do đó, dễ hiểu vì sao Việt Nam lại đang quá tụt hậu so với Hàn Quốc. Muốn “ngửng cao đầu”, không thể tiếp tục như vậy!
(Thư viện tại CPG-IBS không có người coi, đồng thời là nơi hay diễn ra các thảo luận khoa học, nhiều khi kèm ăn uống miễn phí)
(“Ba chàng ngự lâm” từ Pháp cùng hai “người đẹp” Hàn Quốc, là hai nhà nghiên cứu tại KIAS. Tuy Hàn Quốc cũng có truyền thống phong kiến trọng nam khinh nữ nặng nề, nhưng vai trò của phụ nữ trong khoa học ngày càng tăng. Bà đứng thứ hai từ bên trái là người mời tôi đến KIAS. Cô đứng bên trái làm tiến sĩ tại Postech trước khi thành nghiên cứu viên của KIAS)