Category: Giới thiệu, bình luận sách

“Toán học và nghệ thuật”, theo một người ghét toán

Published / by admin

THVNT20180717

 

Tôi không thích học Toán, một phần vì… dốt. Nhiều phần vì những ám ảnh mà người lớn đã vô tình găm vào đầu từ thuở nhỏ. Thầy A, thầy giáo dạy chuyên Toán có tiếng ở trường cấp II đã nói xa gần với lớp chuyên Văn chúng tôi hồi ấy: Nếu không đi đều bằng 2 chân (Văn & Toán) thì khác gì bị… thọt. Nhìn quanh lớp thì hầu hết cả lũ đều “thọt” theo ý của thầy nên chúng tôi càng sợ Toán, từ sợ, chúng tôi chuyển sang ghét Toán. Vào cấp III, tôi tiếp tục học C9, chuyên Văn. Một hôm, dì B (có con học C1, chuyên Toán) có qua nhà chơi và gõ gõ vào đầu bàn học: “Phải học C1 thì mới đỗ được Đại học con ạ”. C9 trong mắt dì và rất nhiều người là không giỏi tự nhiên (trong đó có toán) = không đỗ Đại học… Vậy đấy, tôi không thích toán, tôi sợ toán. Toán không có cơ hội để thanh minh với tôi, cho đến một ngày tôi được anh Thành tặng cuốn sách “Toán học và nghệ thuật” của nhà toán học, GS. Nguyễn Tiến Dũng. Tôi đã ước, giá như có những người thầy cho chúng tôi biết được vẻ đẹp của toán học một cách dịu dàng đến thế. Tôi đã ước, giá như có những bài giảng về toán bằng thơ và ngược lại.

Đúng như tên gọi của cuốn sách, “Toán học và nghệ thuật” giúp tôi chạm đến những nét đẹp của toán học qua âm nhạc, hội họa, thi ca… Toán học hiện hữu giản dị và vô cùng thân thuộc. Toán học đâu có khô khan trong những định lý và công thức dằng dặc với các con số… Toán học ở kia, trong bức tranh treo trên tường nhà. Toán học nằm đây, trong số cánh của những bông hoa. Toán học nằm trong ngôi nhà tôi ở, trong chiều cao của trần nhà và chiều rộng của mặt sàn.

Bức ảnh minh họa là cảnh tôi đang đứng giữa sảnh Penrose của tòa nhà Alpha, trường Đại học FPT. “Penrose” là tên của nhà toán học vật lý và toán học Roger Penrose – tác giả của bộ viên gạch lát không thể tuần hoàn mang tên ông. Cảm ơn Penrose vì ông đã cho phép trường tôi sử dụng bộ gạch nổi tiếng này để lát một khoảng sân của Nhà trường. Chắc ít người chúng tôi biết rằng, cái sảnh mình đi qua đi lại hàng ngày mang vẻ đẹp toán học tiềm ẩn. Bạn biết không, một bộ gạch của Penrose chỉ gồm có 2 hình viên gạch, đều là hình thoi. Các góc của các hình thoi đó lần lượt là π/5, 4 π/5 và 3 π/5 (tương tự như là các góc của ngũ giác đều và hình sao 5 cánh đều), bởi vậy chúng có thể cộng với nhau thành 2 π để lát khớp tại các đỉnh.

Đọc “Toán học và nghệ thuật” bạn sẽ được Nguyễn Tiến Dũng kể những mẩu chuyện nho nhỏ như thế. Tôi thích những minh họa sinh động cùng lối giải thích vô cùng dễ hiểu. Tôi thích cái cách hành văn ngắn gọn, vừa vặn, đủ để khơi gợi những tưởng tượng và tình yêu nào đó quanh tôi…

Tình yêu ấy, phải chăng nó luôn tiềm ẩn sẵn trong mỗi người. Chỉ vì một lý do nào đó mà bạn “đành” phải ghét, phải sợ, phải ám ảnh… Tình yêu Toán, như muôn vàn câu chuyện tình yêu trong đời, cần những mối duyên vừa đủ để đánh thức. Cảm ơn anh Nguyễn Tiên Dũng cùng tủ sách Spunik đã gợi mở cảm hứng toán học cho rất nhiều bạn trẻ. “Những cuộc phiêu lưu của Người Thích Đếm”, “Ba ngày ở Nước Tí Hon”, “Tìm số thất lạc”… cùng với “Toán học và Nghệ thuật” đã, đang và sẽ đem đến những điều kỳ diệu cho thế giới này. Đó chính là giúp chúng ta tìm được vẻ đẹp trong Toán học, và từ đó chúng ta sẽ tìm được Tình yêu…

Cảm ơn anh Nguyễn Tiến Dũng một lần nữa vì cuốn sách hay. Cảm ơn anh Nguyễn Khắc Thành đã tặng em cuốn sách hay ấy…

– Phạm Tuyết Thanh Hà, FPT