Category: Sputnik Newsletter

Các công trình dẫn nước La Mã

Published / by admin

Người La Mã ngày xưa đã biết xây dựng các công trình bằng đá hùng vĩ ở châu Âu, còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong đó có những đường ống dẫn nước (tiếng Anh: aqueduct, tiếng Pháp: aqueduc, tiếng Ý: acquedotto). Người ta nói rằng dân thành phố Roma ngày nay vẫn sử dụng các aquaduct xây từ thời La Mã cách đây 2 nghìn năm.

Pont_du_gard(Pont du Gard: đường dẫn nước bắc qua sông Gard ở Pháp xây từ thời La Mã)

Có điều đáng chú ý là, ngày nay người ta xây các đường ống dưới đất, đi lên đi xuống theo địa hình của đất, còn người La Mã thì xây trên trời, bắc cầu cho nước, nhiều khi với những cầu đá rất cao, và nhiều khi đi vòng vèo qua đồi núi, nhưng đường dẫn ở đoạn nảo cũng thoai thoải thấp dần từ điểm nguồn đến điểm lấy nước chứ không lên xuống như ngày nay. Ví dụ đường dẫn nước mang tên Aqua Marcia ở Italia dài 100km trong khi khoảng cách theo đường chim bay từ nguồn tới nơi dùng chỉ 50km. Câu hỏi là: vì sao vậy? Sao lại phải xây dài ra  tốn kém thế mà không xây như ngày nay có tiện hơn không?

VL1_Aqueduct(Đường dẫn nước ngoằn nghèo để giữ độ cao cho đều)

Có hai câu trả lời khả dĩ cho câu hỏi trên:

Một là, các kỹ sư La Mã ngày xưa thiếu kiến thức về chất lỏng, và rất sợ xây đường ống chỗ cao chỗ thấp như ngày nay thì nước sẽ không “chảy ngược” được từ chỗ thấy lên chỗ cao!

Hai là, có thể họ cũng biết về chuyện nước “chảy ngược” được, nhưng các đường ống như vậy đòi hỏi chịu đựng được áp suất cao, mà công nghệ dùng đá ngày xưa thô sơ không đảm bảo có được đường ống chịu đựng được áp suất như vậy, nên họ cứ xây đường thoai thoải dần cho chắc ăn, tuy là vô cùng tốn kém.

(Lấy từ bản dịch mới của sách “Vật Lý Giải Trí của Perelman, Sputnik sắp xuất bản đầu năm 2018)