Câu chuyện về một bản dịch

S034_Cover

Ai đã từng làm nghề dịch thuật ở Việt Nam đều biết công việc dịch thuật, nếu làm cho nghiêm túc, thì khổ cực đến thế nào, và hơn nữa ở Việt Nam được trả công bèo bọt như thế nào.

Ví dụ cụ thể là nhà văn Lê Ngọc Mai (thủ trưởng của tôi), dịch sách “Ngôn Từ” (“Les Mots”) của Sartre cho Nhã Nam cùng với nhà văn Thuận, tra cứu hết hơi, làm tối mặt tối mũi nửa năm trời, và tiền trả công của Nhã Nam thì thuộc loại bèo của bèo, tính ra mỗi tháng chưa được 2 triệu, chưa bằng nửa mức lương Osin. Tất nhiên, chẳng phải mấy ai cũng dịch cẩn thận tử tế tốn công như thủ trưởng. Thiên hạ người ta cứ “dịch khoán” ào ào, sai loạn hết cả lên là chuyện bình thường.

Quay lại chuyện dịch thuật của Sputnik. Sputnik muốn làm sách song ngữ Anh-Việt chất lượng dịch thật đảm bảo để giúp ích thực sự cho các bạn muốn có truyện hay để đọc cũng như các bạn muốn học tiếng Anh. Sputnik trả công thuộc loại cao trên thị trường Việt Nam (nhưng tất nhiên vẫn khiêm tốn đối với công lao của những ai làm cẩn thận), tuy thế kiếm được người dịch tốt, biên tập tốt chẳng dễ tí nào: may mắn thì có được người dịch chuẩn, không may thì gặp phải người dịch dở, sửa hết hơi, và có khi phải bỏ đi dịch lại từ đầu.

Một ví dụ về may mắn là quyển “Hoàng Tử Bé” (The Little Prince) rơi vào tay dịch giả Nguyễn Tuấn Việt, một người có trình độ và làm việc rất nghiêm túc,  được đánh giá là dịch rất tốt (tuy rằng khi biên tập cũng còn bắt được kha khá lỗi!).

Còn một ví dụ về không may thì rơi vào quyển “Xứ Oz kỳ diệu” trong bộ truyện Oz cực kỳ nổi tiếng của Frank Baum.

Cách đây quãng chừng nửa năm, Sputnik có giao cho cộng tác viên ruột Vạc Bông (Vagabondo) việc sửa một bản  dịch của quyển sách “The Marvelous Land of Oz – Xứ Oz kỳ diệu” này, đã thuê  một người dịch trước đó. Do lúc đó còn bận nhiều việc khác, nên một thời gian sau anh Vạc Bộng mới bắt đầu đọc bản dịch kia để sửa. Khi bắt đầu đọc để sửa thì phát hiện dịch sai qúa nhiều,  có những chỗ dịch sai ở mức thô thiển, ví dụ như từ “flight” (theo nghĩa bỏ chạy) bị dịch nhầm thành từ “fight” (theo nghĩa trận chiến). Sự nhầm lẫn đập ngay vào mắt này
chứng tỏ người dịch làm vội vàng không cẩn thận.

Sửa được ít hôm thì anh Vạc Bông phát hiện ra là có một bản dịch gần giống hệt thế đã có ở trên mạng từ năm 2014! Trời đất ơi, chẳng nhẽ có cộng tác viên nhận tiền dịch để copy từ trên mạng về nhận là của mình! Nếu cho in sách như vậy thì mang tiếng đạo văn suốt đời.

Tệ hơn nữa, trong số những chỗ mà bản dịch đưa cho Sputnik được sửa đi cho thành hơi khác bản đã có trên mạng, thì nhiều khi sửa từ dịch đúng thành dịch sai! Ví dụ, bản dịch có trên mạng không bị sai ở chỗ “flight” viết phía trên. Nghe nói, người dịch trước giao cho sinh viên dịch rồi sửa lại, còn sinh viên thì copy hoặc dùng google translater.

Cựng chẳng đã, Sputnik đành ăn vạ anh Vạc Bông, bắt anh ấy dịch lại sách.

Tuy đây là một quyển truyện thiếu nhi, nhưng dịch cho chính xác không dễ và tốn rất nhiều công sức, bởi nó sử dụng khá nhiều thành ngữ, chơi chữ, và có sắc thái hài hước mà nếu không thạo tiếng Anh có thể không cảm nhận rõ. Kể cả khi đã hiểu nghĩa tiếng Anh thì việc chọn lựa các từ tiếng Việt sao cho thích hợp cũng tốn nhiều thời gian.

Nếu chỉ tra cứu theo từ điển Anh-Việt trong quá trình dịch thì hầu như chắc chắn sẽ có nhiều chỗ bị dịch sai. Một lý do phổ biến là một từ có thể có nhiều nghĩa, mà trong từ điển lại thiếu nghĩa được dùng trong sách. Khi có chỗ nào khó hiểu, không chắc chắn, anh Vạc Bôngphải tra cả các từ điển giải nghĩa Anh-Anh, từ điển tiếng lóng, rồi từ điển giải nghĩa Anh-Pháp rồi dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, để chọn lựa được nghĩa cho thích hợp.

Công việc tra cứu tỉ mẩn trên mất thời gian gấp nhiều lần so với “dịch thoáng, dịch đại” (là tình trạng của hầu hết các bản dịch ở Việt Nam, và cũng vì thế chất lượng dịch của sách dịch ở Việt Nam nói chung khá thấp, không đảm bảo).

Cái rủi biến thành cái may.

Chị Mai Hồng Hạnh, một việt kiều trí thức ở Mỹ, lên tiếng nhận sửa bản dịch. Sau khi sách đã qua anh Vạc Bông, chị Hạnh còn bắt được thêm nhiều lỗi tế nhị nữa. Không chỉ có chị Hạnh, mà cả chồng của chị Hạnh là người Mỹ chính gốc, cũng tham dự vào việc sửa bản dịch này.

Ví dụ như từ sleep trong sách. Người Việt nào biết nói tiếng Anh mà chẳng hiểu “sleep” nghĩa là “ngủ”, ở dạng danh từ thì là “giấc ngủ”. Nhưng hóa ra “sleep” còn có nghĩa là gỉ mắt (ghèn mắt), mới đúng là nghĩa được dùng trong một chỗ của quyển sách này. Những lỗi tinh tế như thế và hơn thế cần có chị Hạnh và anh người Mỹ phát hiện.

Cuối cùng thì bản dịch “Xứ Oz kỳ diệu” đã hoàn thành, chính thức vào lò in, sẽ ra mắt mấy hôm tới. Có thể vẫn còn sai sót, nhưng so với các bản dịch trước đó chắc chắn là chính xác hơn nhiều lần, và hầu như trang nào cũng có chú thích giải nghĩa các cụm từ này nọ cho bạn học tiếng Anh. Và bạn có thể vừa đọc vừa nghe audio tiếng Anh miễn phí nữa.

Món quàNoel này, tui cũng thấy hài lòng, các bạn đừng bỏ qua phí của giời nhé! Đọc cùng với “Pháp sư siêu phàm xứ Oz – The Wonderful Wizard of Oz” (sách song ngữ, Tủ sách Sputnik 028 và 029) thành một bộ :)

Nguyễn Tiến Dũng