Học đọc học viết qua những truyện hay

(Nguyễn Tiến Dũng)

Dành cho giáo viên và phụ huynh học sinh mẫu giáo và lớp 1

Có một bạn đồng nghiệp trẻ kể với tôi rằng có cậu con trai 6 tuối, cô giáo giao bài tập viết về nhà thì làm quấy quá, chữ xấu và không chịu làm hết, trong khi đó nó lại đem quyển truyện Pinocchio ra tự chép lại vào vở rất nắn nót, chữ đẹp.

Vì sao lại thế?

Lý do rất đơn giản. Trẻ em sẽ học một cách tự nguyện, vui vẻ và nhanh vào những thứ gây cho nó nhiều cảm hứng. Trong trường hợp của cậu bé, rõ ràng là quyển truyện Pinocchio đối với nó rất thú vị, nó đọc đi đọc lại không thấy chán, nên có cảm hứng để chép lại các đoạn văn trong đó. trong khi đó thì bài tập của cô có thể gồm những câu rời rạc, không thành đoạn văn sinh động, nó không hình dung được bức tranh nào hay từ những câu đó, thì nó không có hứng để viết, học lâu vào hơn nhiều.

Con trai tôi ngày xưa đi học lớp 1 ở bên Pháp rất vui. Đầu năm cô phát cho một quyển truyện nhan đề đại loại “Bạn Tibili đến trường”. Hàng ngày bọn trẻ được đọc truyện đó rồi tập viết theo. Đến khi đọc xong quyển truyện là cũng biết đọc biết viết kha khá. Truyện kể về một bé Tibili đầu tiên rất sợ đi học vì nghĩ đi học rất chán, nhưng từ khi đến lớp lại thấy đi học được chơi thích thú quá, đến mức có hôm bị ốm vẫn muốn đi học … (Tất nhiên là truyện viết một cách ngộ nghĩnh hơn nhiều so với tôi kể ở đây). Truyện đó thuộc loại rất được trẻ em thích ở Pháp. Trong khi học đọc và viết, bọn trẻ còn tập vẽ cả bạn Tibili nữa, mỗi đứa vẽ một kiểu, và có được bức tranh hình dung trong đầu về Tibili. Đó chính là một cách học rất thú vị và hiệu quả. (Bản thân con trai tôi khi học lớp 1 hăng hái phát biểu trong lớp tranh phần của các bạn khác quá, nên đến hết học kỳ một thì bị cô giáo “đuổi lên” học lớp 2 luôn :D)

Các phụ huynh và các thầy cô nên chú ý vấn đề đó. Muốn trẻ học nhanh vào, thì hãy lồng việc học đọc học viết vào các câu truyện thú vị, kèm theo các hoạt động khác như chơi bời vẽ vời càng tốt. Đừng dùng nhiều những thứ khô khan khó hiểu giáo điều xa lạ vô nghĩa với trẻ làm bài tập đọc tập viết, trẻ sẽ chán, mà chán thì học ắt rất khó vào.

Đặc biệt là tránh xa cái gọi là “công nghệ giáo dục” thực ra là vô cùng phản khoa học của ông Hồ Ngọc Đại mắc bệnh hoang tưởng! Cái “công nghệ” của ông ta hoàn toàn đi ngược lại với phương pháp tự nhiên và hiệu quả mà tôi vừa viết phía trên.