S001 – Những cuộc phiêu lưu của người thích đếm

Cover_S001

Những cuộc phiêu lưu của người thích đếm

Tác giả: Malba Tahan
Dịch giả: Nguyễn Tiến Dũng
Thể loại: Tiểu thuyết Toán học
Lứa tuổi: Hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là TH và THCS
236 trang khổ 14,5cm x 20,5cm, in đen trắng, bìa mềm
Xuất bản: lần đầu 2015, đã tái bản.
Giá bìa: 88 nghìn VND

Quyển sách Người Thích Đếm, xuất bản lần đầu vào năm 2015, là quyển sách đầu tiên của Tủ sách Sputnik (được đánh số 001), và có lẽ cũng là quyển sách viết về toán học thường thức được ưa chuộng nhất trên thế giới trong vòng một thế kỷ qua, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều thích.

Kể từ khi nó bắt đầu xuất hiện vào năm 1938 bằng tiếng Bồ Đào Nha ở Brazil với nhan đề O Homen Que Calculava, nó đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng phổ biến trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Ả Rập, v.v., và được tái bản liên tục hàng năm. Riêng ở Brazil, nó đã được in đến 2 triệu bản, và được giải thưởng lớn về văn học (tuy là sách toán).

Ở Việt Nam, sau khi sách được in ra lần đầu vào đầu năm 2015, đã được tái bản một lần, và dự kiến sẽ tiếp tục tái bản trong năm 2017. Đây là một trong những sách sẽ đem lại nhiều niềm vui và cảm hứng học tập cho trẻ em. Nó có trong Tủ sách đầy đủ của Sputnik, cũng như Bộ sách toán, và bộ “Truyện toán học” (gồm toàn các quyển sách hay nổi tiếng dịch từ tiếng Anh và tiếng Nga: Người Thích Đếm, Nước Tí Hon, Mặt Nạ Đen, Thuyền Trưởng Đơn Vị, và Tìm Số Thất Lạc). Có thể xem 8 chương đầu của quyển sách (bản nháp, hơi khác bản in ra) tại đây: http://zung.zetamu.net/Files/NguoiThichDem_8Ch.pdf

S001_3Tác giả của quyển sách là nhà toán học Júlio César de Mello e Souza (1895-1974) người Brazil, lấy bút danh là Malba Tahan và một số bút danh khác.  Người ta gọi ông là “nhà toán học duy nhất mà nổi tiếng như quán quân bóng đá”. Ông từng làm giáo sư, và trưởng khoa của trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Quốc gia Brazil ở Rio de Janeiro. Ông từng chỉ trích gay gắt lối giáo dục “nhồi sọ, học vẹt”, và đã góp phần tích cực vào việc cải cách giáo dục ở Brazil qua các bài giảng về giáo dục và các quyển sách sinh động của mình. Ông đã viết hàng chục sách toán và sách văn học, trong đó quyển sách thành công nhất chính là Người Thích Đếm.

Sự hấp dẫn đặc biệt của quyển sách này nằm ở chỗ nó vừa là một quyển sách giới thiệu rất nhiều điều thú vị về toán học, đồng thời vừa có giá trị rất cao về văn học, và chứa nhiều điển tích lịch sử thú vị. Cuộc phiêu lưu của nhân vật chính trong quyển sách ly kỳ không kém những truyện như “Nghìn lẻ một đêm”.  Ở một số nước trên thế giới, ví dụ như Pháp, nó đã được nhiều giáo viên sử dụng như là sách tham khảo chính thức cho chương trình môn toán.

Thậm chí, nhiều câu trong quyển sách này đã trở thành châm ngôn. Ví dụ như câu nói của nhân vật chính Beremiz Samir: “Da incerteza do cálculo é que resulta o indiscutível prestígio da Matemática”. (Sự khó xác định trong việc tính toán tạo nên uy tín không thể chối cãi của toán học).

NXB Thông Tin và Truyền Thông có làm một video  2 phút giới thiệu sách: https://www.youtube.com/watch?v=6rN4T3MD5Rg

Bản dịch tiếng Việt do TS. Phạm Việt Hùng, TS. Lê Hải Yến và GS. Nguyễn Tiến Dũng thực hiện ở Toulouse vào khoảng thời gian 2013-2014, chủ yếu từ bản tiếng Anh, nhưng có đối chiếu một vài chỗ với bản gốc tiếng Bồ Đào Nha.

Bạn đọc có thể tìm thấy trên youtube  bản audio tiếng Anh miễn phí của quyển sách này, tiện lợi cho những ai muốn học tiếng Anh:

Nếu tra theo cụm từ “O homem que calculava” (tên sách bằng tiếng Bồ Đào Nha), bạn đọc sẽ thấy có  nhiều video về quyển sách này trên youtube, trong đó có những vở kịch rất ngộ nghĩnh dựa trên những câu chuyện trong sách, chẳng hạn như câu chuyện về “Bài toán chia 35 con lạc đà”:

Ba anh em phải chia nhau 35 con lạc đà do người cha để lại. Theo di chúc, người anh cả được 1/2 số lạc đà, người anh thứ được 1/3 số lạc đà, và người em út được 1/9 số lạc đà. Họ không biết phải làm thế nào để chia, vì lấy 35 con chia cho 2, 3, hoặc 9 thì đều bị lẻ, tức là sẽ phải chặt con lạc đà nào đó ra. Nhưng người thích đếm Beremiz đã đến và giúp họ chia, ai cũng thỏa mãn và Beremiz còn được phần thưởng là một con lạc đà.

Một bạn đọc nhí ở Đà Nẵng, sau khi đọc “Người Thích Đếm”, có gửi đến Sputnik một bức thư dễ thương như sau về bài toán 35 con lạc đà:

S001_1

“Thưa Sputnik, cháu thấy cuộc phiêu lưu của Beremiz rất thú vị, đến nỗi khi đi ngủ cháu cũng nằm mơ thấy mình là Beremiz với cảm giác tự hào và hạnh phúc lắm ạ. “Những cuộc phiêu lưu của Người thích đếm” trở thành cuốn sách gối đầu giường của cháu bấy lâu nay và cũng là người bạn thân thiết của cháu. Tuy nhiên cháu có chút băn khoăn ở phần chia lạc đà của Beremiz, dù rất tài tình nhưng khi đọc đi đọc lại cháu vẫn cảm giác có gì đó bí ẩn. Sở dĩ như vậy là vì cháu chưa hiểu tại sao số lạc đà của ba anh em được chia ra từ 36 con (nhiều hơn số lạc đà của người cha để lại) và tất cả đều có lợi mà sao vẫn thừa ra 1 con cho Beremiz (thành ra ba anh em bị lỗ). Hơn nữa cháu cũng có chút hoài nghi, phải chăng Beremiz đã gặp may vì nếu tỉ lệ mà người cha để lại là 1/2, 1/3 và 1/6 thì sao? Lúc đó không những Beremiz không có được con lạc đà nào mà ngay cả anh bạn thân đi cùng cũng mất luôn con lạc đà của mình. Phải chăng với tỉ lệ đã để lại, người cha đã cố tình sắp đặt và muốn thách thử trí thông minh của ba người con. Sputnik có thể giúp cháu làm rõ thắc mắc của mình được không ạ?”

Bạn sẽ trả lời nhà toán học nhí đó thế nào?

_____

 

Đính chính:Những cuộc phiêu lưu của người thích đếm, bản in 1Q2015
(Những lỗi này đã được sửa khi tái bản)

– Trang 11: Constaninople –> Constantinople (thiếu chữ t)

– Trang 66-67: Các khổ thơ bị ngắt quãng sai chỗ. Mỗi khổ thơ kết thúc ở “chẳng là chi” và trước “Dù có…”

– Trang 74:Viết nghiêng câu nói “nghệ thuật không thể …” cho thống nhất với các câu viết nghiêng trước đó.

– Trang 129: từ “Genova” viết liền với câu trên, không có chấm câu ở đó.

– Trang 195: từ Cyreneica không có gạch ở giữa (?)