Tập truyện cổ tích dân gian Nga – Mụ phù thủy Baba Yaga
Tên viết tắt: Phù thủy Baba Yaga
Thể loại: Truyện cổ tích song ngữ Anh – Việt
Lứa tuổi: TH, THCS
Tác giả: Khuyết danh
Dịch giả: Vạc Bông & Nguyễn Tường Linh
Thời điểm xuất bản: In lần đầu tháng 10 năm 2017
292 trang khổ 14,5cm x 20,5cm, in đen trắng, bìa mềm
Giá bìa: 88 nghìn VND
Giới thiệu nội dung:
Baba Yaga là nhân vật phù thủy nổi tiếng nhất trong các truyện dân gian của nước Nga và có lẽ là trên toàn thế giới, “bà tổ của tất cả các phù thủy”. Theo các tiếng gốc Sla-vơ, Baba có nghĩa là “bà già”. Còn về gốc của từ Yaga thì có nhiều giả thuyết khác nhau. Nó có thể có gốc từ Ấn Độ (tiếng Sanskrit cổ) với nghĩa là “con rắn”, và trong các tiếng cổ khác ở châu Âu có những từ phát âm tương tự, với những nghĩa như là “độc ác”, “khiếp hãi”, “giận dữ”, v.v…
Trong thần thoại Nga, Baba Yaga thường được hình dung như một mụ phù thủy già, xương xẩu, có mũi khoằm rất dài, sống trong rừng, ở trong một cái lều được dựng trên một đôi chân gà. Mụ đi lại bằng cách cưỡi một chiếc cối sắt, lái nó bằng chiếc chày sắt, và cầm cây chổi để quét sạch dấu vết phía sau mụ.
Tính cách của nhân vật Baba Yaga rất phức tạp. Trong nhiều truyện, mụ được mô tả là rất độc ác, thích ăn thịt trẻ em. Trong những truyện khác, mụ lại giúp đỡ một số người chống lại những nhân vật độc ác khác. Trong một số truyện khác nữa, không phải chỉ có một mụ Baba Yaga, mà có thể có tới ba chị em phù thủy cùng được gọi là Baba Yaga.
Dù là độc ác hay có phần thân thiện, Baba Yaga cũng xuất hiện trong rất nhiều truyện cổ tích của Nga. Tuyển tập truyện cổ tích này gồm có tám truyện thuộc loại tiêu biểu nhất trong đó có sự xuất hiện của Baba Yaga, với rất nhiều tình tiết ly kỳ và nhiều nhân vật quen thuộc khác của thần thoại Nga, như là Koschei bất tử, Dubynia (Người Cây Sồi), v.v… Các truyện này có nguyên gốc bằng tiếng Nga, nhưng đã được dịch sang tiếng Anh từ cách đây khoảng một thế kỷ.